Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chương trình Top10 & Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam
- Chương trình Top10 & Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam là chương trình đánh giá, xếp hạng và vinh danh các doanh nghiệp Công nghệ số có uy tín và năng lực tại Việt Nam.
- Bên cạnh việc vinh danh doanh nghiệp, chương trình còn tiên phong xây dựng Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam, góp phần định vị thị trường, thúc đẩy sự phát triển và mở rộng cơ hội đầu tư.
- Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và được tổ chức định kỳ hàng năm.
Điều 2. Mục đích, ý nghĩa chương trình
- Đánh giá & Vinh danh: Xếp hạng các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam dựa trên các tiêu chí về năng lực thực thi, tầm nhìn chiến lược, sản phẩm/dịch vụ cốt lõi và tác động đối với ngành.
- Xây dựng Bản đồ Ngành: Phân loại doanh nghiệp theo lĩnh vực, quy mô và phạm vi thị trường nhằm xác định vị thế, năng lực cạnh tranh và xu hướng phát triển.
- Cung cấp Thông tin Chiến lược: Biên soạn báo cáo tổng quan và ấn phẩm Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và gia tăng uy tín với khách hàng, đối tác trong nước và quốc tế.
- Hỗ trợ Kết nối & Mở rộng Thị trường: Tạo cơ hội kinh doanh, hợp tác thông qua các hoạt động kết nối, hội nghị, diễn đàn và xúc tiến thương mại.
- Giới thiệu, quảng bá Ngành Công nghệ số Việt Nam: Xây dựng hình ảnh và nâng cao nhận diện quốc gia về năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo trên thị trường khu vực và toàn cầu.
- Định hướng Phát triển Ngành: Cập nhật xu hướng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững, phù hợp với quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
- Dành cho các doanh nghiệp Công nghệ đáp ứng các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp được đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
- Hoạt động hiệu quả hoặc sở hữu công nghệ tiên tiến;
- Có hồ sơ đăng ký tham gia hợp lệ theo quy định của Chương trình.
- Doanh nghiệp lựa chọn tối đa 03 trong 34 lĩnh vực thuộc 05 nhóm chính:
- Nhóm 1: TOP Doanh nghiệp phát triển công nghệ và cung cấp nền tảng (07 lĩnh vực)
- Nhóm 2: TOP Doanh nghiệp cung cấp giải pháp quản trị (06 lĩnh vực)
- Nhóm 3: TOP Doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyên ngành (09 lĩnh vực)
- Nhóm 4: TOP Doanh nghiệp Dịch vụ số (11 lĩnh vực)
- Nhóm 5: TOP Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số (Không giới hạn lĩnh vực)
- Chương trình không áp dụng cho:
- Các tổ chức, doanh nghiệp chưa đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
- Các doanh nghiệp có vi phạm pháp luật hoặc có tranh chấp pháp lý nghiêm trọng trong thời gian xét duyệt.
Chương II
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP HẠNG
Điều 4. Tiêu chí đánh giá
- Chương trình Top10 & Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam được xây dựng dựa trên hệ thống tiêu chí đánh giá khoa học, khách quan, nhằm xác định và vinh danh các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu.
Hệ thống đánh giá tập trung vào hai tiêu chí chính:
-
- Khả năng thực thi (Ability to Execute): đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp dựa trên các yếu tố: tăng trưởng kinh doanh (doanh thu, thị phần, số lượng khách hàng); chất lượng sản phẩm/dịch vụ; năng lực triển khai dự án và mức độ hài lòng của khách hàng.
- Tầm nhìn chiến lược (Completeness of Vision): đánh giá mức độ đổi mới, khả năng mở rộng thị trường và mức độ ảnh hưởng đến ngành, bao gồm: chiến lược phát triển dài hạn, năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng mở rộng thị trường, tác động đến ngành công nghệ số.
- Dựa trên hai tiêu chí này, các doanh nghiệp tham gia sẽ được phân loại vào bốn nhóm: Dẫn đầu (Leaders)Thách thức (Challengers), Tiên phong (Visionaries) và Nhóm thị trường ngách (Niche Players).
- Danh sách Top 10 doanh nghiệp được lựa chọn dựa trên tiêu chí đánh giá cùng các yếu tố quan trọng như doanh thu, số lượng khách hàng và thị phần, nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ và tác động tích cực đến ngành công nghệ số Việt Nam.
Điều 5. Hoạt động đánh giá, xếp hạng và công nhận
- Quy trình đánh giá và xếp hạng: Chương trình được triển khai qua 03 vòng đánh giá
- Vòng 1: Tiếp nhận, Đánh giá hồ sơ
- Vòng 2: Thẩm định, đánh giá
- Vòng 3: Chung tuyển và xếp hạng
- Xây dựng bản đồ, báo cáo và xuất bản ấn phẩm
- Lập Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ Số Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp Top10 và các doanh nghiệp khác theo lĩnh vực.
- Xây dựng báo cáo ngành công nghiệp công nghệ số theo các lĩnh vực nổi bật
- Xuất bản ấn phẩm giới thiệu doanh nghiệp bằng các ngôn ngữ khác nhau (Anh, Việt, Nhật).
- Lễ Công bố & Vinh danh
- Kết nối kinh doanh & Networking:
Doanh nghiệp tham gia chương trình có cơ hội kết nối với đối tác tiềm năng trong nước & quốc tế thông qua các sự kiện Business Matching & Networking trong khuôn khổ Lễ Vinh danh.
- Truyền thông và quảng bá:
- Hội thảo, Talkshow giới thiệu doanh nghiệp và các lĩnh vực nổi bật.
- Gửi ấn phẩm đến 5.000 cơ quan, tổ chức trong nước và 100 quốc gia.
- Quảng bá doanh nghiệp tại các sự kiện lớn trong nước & quốc tế.
- Hoạt động kết nối với các đối tác, khách hàng tiềm năng.
Chương III
QUYỀN LỢI & NGHĨA VỤ CỦA DOANH NGHIỆP
Điều 6. Quyền lợi của doanh nghiệp
Doanh nghiệp tham gia Chương trình Top 10 & Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
- Được công nhận, vinh danh: khi được bình chọn vào Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam hoặc xuất hiện trên Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam, khẳng định vị thế và uy tín trên thị trường.
- Được sử dụng danh hiệu “Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 2025” hoặc thông tin xuất hiện trên “Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam” trong các hoạt động truyền thông, quảng bá theo quy định của Ban Tổ chức.
- Được giới thiệu trên các ấn phẩm chính thức của Chương trình, bao gồm: Sách Top 10, báo cáo tổng quan ngành, Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam, và các kênh truyền thông của VINASA.
- Cơ hội kết nối & Hợp tác: Được tham gia các sự kiện, hội nghị, diễn đàn do VINASA tổ chức, tạo cơ hội kết nối, hợp tác kinh doanh và mở rộng quan hệ đối tác trong nước và quốc tế.
- Được tiếp cận các báo cáo phân tích chuyên sâu về thị trường, xu hướng công nghệ và dữ liệu tổng hợp do Chương trình cung cấp, hỗ trợ hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp.
- Các quyền lợi khác theo quy định của Chương trình và thông báo của Ban Tổ chức.
Điều 7. Nghĩa vụ của doanh nghiệp
Doanh nghiệp tham gia chương trình có trách nhiệm tuân thủ các nghĩa vụ sau:
- Cung cấp và cập nhật thông tin chính xác: Doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về công ty, sản phẩm, dịch vụ và các nội dung liên quan theo yêu cầu của chương trình; Đảm bảo tính hợp pháp của thông tin, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư, không gây hiểu lầm; Trong quá trình tham gia, nếu có thay đổi về hoạt động kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp phải cập nhật kịp thời theo yêu cầu của Ban Tổ chức.
- Hợp tác đánh giá và tuân thủ quy định: Doanh nghiệp có trách nhiệm hợp tác với Ban Tổ chức trong suốt quá trình đánh giá, bao gồm cung cấp hồ sơ, tài liệu và hỗ trợ kiểm tra, thẩm định tại doanh nghiệp nếu cần; Cam kết tuân thủ các tiêu chí đánh giá, điều khoản của chương trình. Vi phạm có thể dẫn đến việc bị loại hoặc hủy kết quả.
- Bảo mật thông tin và chấp nhận kết quả: Không tiết lộ thông tin đánh giá của chương trình nếu không có sự đồng ý của Ban Tổ chức, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Chấp nhận kết quả đánh giá, chỉ khiếu nại nếu có sai sót rõ ràng hoặc căn cứ pháp lý hợp lệ.
- Tuân thủ pháp luật và trách nhiệm bảo mật: Doanh nghiệp cam kết tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, bảo vệ dữ liệu cá nhân, sở hữu trí tuệ và các nghĩa vụ khác theo yêu cầu của chương trình; Trong trường hợp xảy ra sự cố bảo mật, doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Ban tổ chức để khắc phục và giảm thiểu rủi ro.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Đơn vị tổ chức
- Đơn vị chủ trì triển khai: Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)
- Cơ quan thường trực: Văn phòng VINASA.
- Cơ quan điều hành: Ban tổ chức Chương trình do VINASA thành lập.
Điều 9. Quy trình xét duyệt và công bố kết quả
1. Tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ đăng ký
- Ban tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký từ doanh nghiệp theo thời gian quy định;
- Ban thư ký kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ và hướng dẫn bổ sung (nếu cần);
- Hồ sơ hợp lệ sẽ được chuyển tới Hội đồng Chuyên gia để đánh giá.
2. Tổ chức đánh giá và thẩm định
- Hội đồng Chuyên gia thực hiện đánh giá theo bộ tiêu chí của chương trình.
- Các doanh nghiệp vượt qua vòng xét duyệt hồ sơ, được đưa vào bản xếp hạng sơ bộ và lựa chọn tham gia vòng đánh giá trực tiếp.
- Hội đồng tổng hợp kết quả đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp theo từng nhóm lĩnh vực.
3. Ra quyết định công nhận và công bố kết quả
- Hội đồng thẩm định rà soát, phê duyệt các loại danh sách doanh nghiệp được công nhận.
- Ban tổ chức thông báo kết quả đến doanh nghiệp trước khi công bố chính thức.
- Kết quả chính thức được công bố tại Lễ Công bố & Vinh danh và trên các kênh truyền thông của chương trình.
Chương IV
KINH PHÍ
Điều 10. Kinh phí Chương trình
- Các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình được miễn phí nộp hồ sơ.
- Doanh nghiệp tham gia chương trình lựa chọn các gói dịch vụ phù hợp để đóng kinh phí theo quy định của Ban Tổ chức. Khoản kinh phí này sẽ được sử dụng để hỗ trợ chi phí tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ chương trình, bao gồm các vòng đánh giá, xây dựng báo cáo ngành, xuất bản ấn phẩm, tổ chức Lễ vinh danh và các sự kiện kết nối kinh doanh khác.
- Các khoản kinh phí đóng góp không được hoàn lại dưới mọi hình thức, kể cả khi doanh nghiệp tham gia không được xếp hạng hoặc quyết định rút khỏi chương trình trong quá trình tham gia.
- Việc đóng góp kinh phí sẽ được ghi nhận trong các tài liệu liên quan của chương trình và có thể được sử dụng làm căn cứ cho các quyền lợi doanh nghiệp nhận được trong suốt chương trình.
Chương V
BẢO MẬT, MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 11. Bảo mật thông tin
- VINASA cam kết bảo mật tất cả thông tin và dữ liệu của doanh nghiệp tham gia chương trình, bao gồm thông tin hồ sơ, kết quả đánh giá, và xếp hạng, theo các tiêu chuẩn bảo mật hiện hành. Các thông tin doanh nghiệp cung cấp trong quá trình tham gia chương trình sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích đánh giá và xếp hạng. VINASA sẽ không tiết lộ dữ liệu chi tiết của doanh nghiệp cho bên thứ ba nếu không có sự đồng ý của doanh nghiệp, ngoại trừ các trường hợp được pháp luật yêu cầu.
- VINASA sẽ áp dụng các biện pháp bảo mật hợp lý để bảo vệ thông tin của doanh nghiệp. Trong trường hợp có sự cố bảo mật, VINASA sẽ thông báo và phối hợp với doanh nghiệp để kịp thời xử lý.
- Doanh nghiệp có quyền yêu cầu chỉnh sửa hoặc cập nhật thông tin trong suốt quá trình đánh giá, đảm bảo tính chính xác của thông tin trong các báo cáo và ấn phẩm xuất bản trong suốt thời gian diễn ra Chương trình.
- Doanh nghiệp có nghĩa vụ bảo mật thông tin từ các báo cáo, ấn phẩm của chương trình. Các báo cáo, bản đồ doanh nghiệp công nghệ số và tài liệu liên quan chỉ được sử dụng nội bộ, không được công bố ra bên ngoài dưới bất kỳ hình thức nào mà không có sự đồng ý của VINASA.
- Doanh nghiệp có thể trích dẫn, khai thác thông tin từ báo cáo để phục vụ mục đích truyền thông, quảng bá nhưng phải dẫn nguồn đầy đủ và tuân thủ các hướng dẫn của VINASA.
Điều 12. Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
- Mục đích và phạm vi chương trình: Chương trình Top10 & Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam do VINASA tổ chức nhằm đánh giá, vinh danh doanh nghiệp tiêu biểu dựa trên hệ thống tiêu chí khách quan. Chương trình không xác nhận, khuyến nghị hay đảm bảo chất lượng của bất kỳ doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ hay giải pháp nào.
- Cơ sở đánh giá: Kết quả đánh giá và xếp hạng được thực hiện dựa trên phương pháp luận tham chiếu từ Gartner Magic Quadrant, dữ liệu nghiên cứu của VINASA và thông tin do doanh nghiệp cung cấp. Các phân tích chỉ mang tính tham khảo, không phải là cơ sở duy nhất để quyết định đầu tư, hợp tác hay lựa chọn dịch vụ/sản phẩm.
- Giới hạn trách nhiệm: Ban tổ chức không chịu trách nhiệm về tính phù hợp của thông tin trong báo cáo đối với mọi mục đích sử dụng. Quyết định của doanh nghiệp, nhà đầu tư hoặc tổ chức dựa trên kết quả của chương trình hoàn toàn do bên sử dụng chịu trách nhiệm. Ban Tổ chức không đảm bảo doanh thu, lợi nhuận, cơ hội hợp tác hay thành công thương mại dù doanh nghiệp đã có tên trong Top10 hoặc Bản đồ Công nghệ số.
- Điều chỉnh chương trình: Ban tổ chức có quyền điều chỉnh tiêu chí đánh giá, phương pháp xếp hạng, hoặc danh sách Top 10 theo tình hình thực tế mà không cần thông báo trước. Việc tham gia chương trình không đảm bảo doanh nghiệp sẽ được xếp hạng hoặc vinh danh trong danh sách Top 10.
- Trách nhiệm cung cấp thông tin: Doanh nghiệp tham gia cam kết cung cấp thông tin trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm hoàn toàn về dữ liệu của mình; VINASA không chịu trách nhiệm nếu thông tin do doanh nghiệp cung cấp không đúng sự thật.
Điều 13. Điều khoản thi hành
- Văn phòng VINASA, các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký tham gia có trách nhiệm phối hợp triển khai tổ chức Chương trình theo đúng các quy định của Quy chế này. Doanh nghiệp, tổ chức tham gia Chương trình vi phạm Quy chế này cũng như các quy định của Ban tổ chức Chương trình, có thể bị xem xét loại khỏi Chương trình hoặc bị loại khỏi danh sách và Bản đồ Công nghệ số Việt Nam.
- Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có điểm nào cần sửa đổi bổ sung, Văn phòng VINASA tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ VINASA xem xét quyết định.
– HIỆP HỘI PHẦN MỀM VÀ DỊCH VỤ CNTT VIỆT NAM –