Doanh thu top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc năm 2023 đạt hơn 7 tỷ USD
Dù trong giai đoạn khó khăn nhưng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng, nhiều doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng từ 30-100%, đặc biệt có doanh nghiệp tăng trưởng 2.800%…
Lễ công bố và vinh danh top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023, năm thứ 10 vừa diễn ra ngày 22/9/2023.
Chương trình Top 10 doanh nghiệp số xuất sắc năm 2023 đã lựa chọn trao cho 104 lượt doanh nghiệp tại 23 lĩnh vực trong đó có 13 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng. Năm nay cũng bổ sung nhiều lĩnh vực mới theo sát xu hướng của cuộc cách mạng số, chuyển đổi số.
Theo đó, top 10 năm nay được trao cho doanh nghiệp ở các lĩnh vực: xuất khẩu phần mềm vă dịch vụ công nghệ thông tin; BPO; cung cấp nền tảng chuyển đổi số; cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số; tư vấn giải pháp chuyển đổi số; cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó là các doanh nghiệp A-IoT; Blockchain; Proptech; Healthtech; Agritech; Edtech; khởi nghiệp số; tăng trưởng ấn tượng; tiên phong triển khai công nghệ số; cung cấp giải pháp chính phủ số; cung cấp giải pháp thành phố thông minh; cung cấp giải pháp hậu cần và thương mại điện tử; cung cấp giải pháp bảo mật và an toàn thông tin; hạ tầng số và điện toán đám mây…
Danh sách top 10 hàng năm đều ghi dấu nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn có doanh thu hàng năm đạt từ 1000 tỷ đồng trở lên với vai trò dẫn dắt ngành công nghệ thông tin trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, cho biết theo số liệu thống kê, tổng doanh thu của các doanh nghiệp top 10 năm nay đạt trên 164.000 tỉ đồng, tương đương trên 7 tỉ USD, chiếm 43,75% tổng doanh thu của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp top 10 là 136.000 người.
Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ năm 2023 được trao 13 đơn vị có doanh thu 119.000 tỉ đồng, tương đương 5,1 tỉ USD, sử dụng 111.600 lao động.
Dù vẫn ở trong giai đoạn kinh tế biến động, nhưng các doanh nghiệp công nghệ số vẫn có được mức tăng trưởng ấn tượng. Ở thị trường dịch vụ xuất khẩu có MOR Software, Savvycom trưởng gấp 2 lần; CMC Global tăng trưởng 70%. Thị trường trong nước ghi nhận những con số tăng trưởng lớn như: One Mount tăng 80%, Viettel Cyber Security, FPT Smart Cloud tăng 100%, ITSOL 90%. Theo ông Khoa, có nhiều doanh nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng từ 30-100%, đặc biệt có doanh nghiệp tăng trưởng lên đến 2800%.
Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới như: Chip bán dẫn, Generative AI, Blockchain. Các doanh nghiệp trong nhóm này đang hiện diện tại trên 20 quốc gia, có hàng chục ngàn nhân sự, đang chuyển đổi số cho những doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500, những tập đoàn hàng đầu thế giới…
Năm thứ 7 đạt giải thưởng này, đại diện GMO-Z.com RUNSYSTEM đang tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn 2030 với những mục tiêu đạt 100 triệu USD doanh thu; có 5 sản phẩm số 1 thị trường Việt Nam và 5 sản phẩm dẫn đầu thị trường quốc tế. Với mức tăng trưởng 20-30%/năm, mục tiêu doanh thu hoàn toàn khả thi.
Hoặc như FPT 10 năm liền được vinh danh, trong đó riêng năm 2023 đứng trong top 10 của 9/23 lĩnh vực đồng thời có nhiều doanh nghiệp thành viên thuộc danh sách Nhóm Câu lạc bộ nghìn tỷ- đội ngũ doanh nghiệp đi đầu dẫn dắt ngành, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 100.000 doanh nghiệp số vào năm 2030.
Được tổ chức lần đầu năm 2014, thời điểm doanh thu của ngành công nghệ thông tin đạt gần 34 tỷ USD với tổng số 440.000 lao động làm việc trong 13.800 doanh nghiệp. Ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin khi đó đóng góp 2,8 tỷ USD doanh thu, với hơn 11.500 doanh nghiệp, tổng số lập trình viên khoảng gần 160.000 người. Chương trình chỉ lựa chọn được 30 doanh nghiệp công nghệ thông tin xuất sắc hàng đầu trong 2 lĩnh vực là sản xuất phần mềm và gia công xuất khẩu.
Sau 10 năm, các chỉ số của ngành công nghệ thông tin đều tăng trưởng gấp hơn 5 lần. Doanh thu đạt 148 tỉ USD, với 1,3 triệu nhân lực. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đạt gần 16 tỷ USD, tăng gần 6 lần, xuất khẩu phần mềm và dịch vụ đạt trên 5 tỉ USD, số lượng doanh nghiệp công nghệ số là 75.000 doanh nghiệp.
Ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp công nghệ số và ý nghĩa của việc trao giải thưởng này, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng doanh nghiệp công nghệ số chính là hạt nhân để công nghệ hoá đất nước, đưa công nghệ vào các lĩnh vực, ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực; cung cấp nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp khác, Chính phủ và người dân sử dụng. Doanh nghiệp công nghệ số sẽ sáng tạo ra công cụ sản xuất hiện đại dựa trên công nghệ, tăng năng suất lao động, tăng năng lực của nền kinh tế.
Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ số, công nghiệp công nghệ số trong đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” với một số mục tiêu cụ thể như: cả nước có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, đạt tỷ lệ 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; Phát triển 15 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế và doanh thu trên 1 tỷ USD…
Theo VnEconomy